Ngành Xây dựng đường sắt - Metro
Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của các tuyến metro tại TP.HCM, Hà Nội và một số đô thị lớn khác đã mở ra một giai đoạn mới cho hạ tầng giao thông đô thị tại Việt Nam. Đây không chỉ là bước tiến về mặt kỹ thuật mà còn là tín hiệu cho thấy nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này đang ngày càng tăng.
Ngành Xây dựng đường sắt - Metro là một ngành học còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng lại sở hữu tiềm năng phát triển rất lớn. Đây là lựa chọn đáng cân nhắc dành cho những bạn trẻ yêu thích kỹ thuật, đam mê nghiên cứu và mong muốn góp phần xây dựng hệ thống giao thông đô thị hiện đại, bền vững.
Theo học ngành này, sinh viên sẽ được trang bị nền tảng kiến thức vững chắc về xây dựng công trình giao thông, đồng thời rèn luyện các kỹ năng chuyên sâu về thiết kế, thi công, vận hành và bảo trì hệ thống đường sắt đô thị, trong đó có metro và đường sắt cao tốc.
Hiện nay, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM là một trong số ít cơ sở đào tạo tại Việt Nam triển khai giảng dạy chuyên sâu về lĩnh vực đường sắt – metro, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với công nghệ tiên tiến và xu hướng phát triển mới của ngành.
Năm 2024, ngành Xây dựng đường sắt - Metro tại trường có mức điểm chuẩn là 17 điểm theo phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT – một mức điểm khá phù hợp so với mặt bằng chung của các ngành kỹ thuật.
Bên cạnh đó, từ năm 2025, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng sẽ chính thức tuyển sinh chuyên ngành Xây dựng đường sắt - Metro, trực thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (Khoa Xây dựng cầu đường), với chỉ tiêu dự kiến là 60 sinh viên, thời gian đào tạo 4,5 năm.
Ngành Quản trị - Luật
Trong bối cảnh nền kinh tế không ngừng phát triển mạnh mẽ cả trong nước lẫn quốc tế, việc đảm bảo các hoạt động kinh tế diễn ra minh bạch, hiệu quả và đúng pháp luật là yếu tố then chốt để tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, bền vững. Chính vì vậy, hai lĩnh vực tưởng chừng tách biệt – Quản trị và Luật – lại ngày càng gắn bó chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau trong quá trình vận hành và điều tiết nền kinh tế hiện đại.
Ngành Quản trị - Luật ra đời như một sự kết hợp hoàn hảo giữa tư duy quản lý và nền tảng pháp lý. Theo học ngành này, sinh viên không chỉ nắm vững các kiến thức liên quan đến quản trị doanh nghiệp, kỹ năng quản lý và ra quyết định, mà còn hiểu sâu về các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh. Nhờ đó, người học có khả năng phân tích, đánh giá và xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến cả hai lĩnh vực: kinh tế và pháp lý.
PGS.TS Nguyễn Thị Thủy – Trưởng khoa Quản trị, Trường Đại học Luật TP.HCM – chia sẻ: “Sinh viên ngành Quản trị - Luật sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại nhiều vị trí khác nhau như: dịch vụ công, thương mại quốc tế, quản trị doanh nghiệp, tài chính, tư vấn luật kinh doanh, tư vấn quản trị - tài chính, hay đảm nhận các vai trò quản lý trong doanh nghiệp...”.
Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành này còn có thể làm việc tại các cơ quan tuyển dụng cử nhân Luật, các bộ phận pháp chế của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Họ cũng có thể trở thành luật sư tư vấn tại các công ty luật, văn phòng luật sư, hoặc theo đuổi con đường nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở giáo dục.
Ngành Giáo dục đặc biệt
Ngành giáo dục đặc biệt (Special Education) là chương trình dạy học được thiết kế, xây dựng riêng cho các bạn học sinh đặc biệt. Đó là các em bị chậm về tinh thần, tình cảm hoặc thể chất làm ảnh hưởng chung đến sự phát triển tổng thể, gây ra vấn đề nhận thức, kỹ năng. Vì thế, các em cần một môi trường giáo dục đặc biệt. Đây cũng là điều mà hầu hết các trường học truyền thống không thể đáp ứng được.
Tại Việt Nam, kết quả điều tra của UNICEF cho biết, tỉ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính bằng 1% số trẻ em sinh ra; 6,2 triệu người khuyết tật chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. “Cần có thêm những nỗ lực để cung cấp các dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp hiệu quả và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng để trẻ khuyết tật có thể phát triển tối đa và tham gia đầy đủ vào cộng đồng cũng như toàn xã hội”, bà Lesley Miller, Quyền Trưởng Đại diện UNICEF phát biểu.
Theo số liệu thống kê, tỉ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm TP.HCM các năm gần đây là: Các năm 2018, 2019, 2020 (100%); năm 2021 (78,94% ); năm 2022-2023 (96,30%).
Mức thu nhập trung bình của ngành giáo dục đặc biệt khi mới ra trường dao động từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Ngoài mức lương này, giáo viên còn được chi trả thêm những khoản phụ cấp khác và tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm, trình độ...
Năm 2024 xét theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn ngành Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là 26,81 điểm. Tại Đại học Sư phạm Hà Nội, ngành Giáo dục đặc biệt có điểm trúng tuyển là 28,37 điểm cho cả 2 khối D và C00. Còn tại trường Đại Học Sư Phạm TP.HCM điểm chuẩn là 26,50 điểm với các khối thi C00, C115, D01 và xét đến nguyện vọng 5.
Kỹ thuật phục hồi chức năng
Trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng đang trở thành một lĩnh vực quan trọng trong hệ thống y tế Việt Nam. Đây là một ngành học chuyên sâu, tập trung vào việc hỗ trợ người bệnh khắc phục hậu quả của chấn thương, bệnh lý và khuyết tật, giúp họ phục hồi khả năng vận động, không còn tự ti với cơ thế của chính mình. Với sự phát triển của y học hiện đại, phục hồi chức năng không chỉ dừng lại ở vật lý trị liệu mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và tâm lý trị liệu.
Hiện nay, ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng được tuyển sinh ở nhiều trường ĐH lớn về Y tế như trường ĐH Y Dược TP.HCM, trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, trường ĐH Y dược Kỹ thuật Đà Nẵng, trường ĐH Y Hà Nội…
Hiện nay, do nhu cầu ngày càng cao của xã hội, các khoa Phục hồi chức năng được thành lập và phát triển nhanh tại các bệnh viện công lập và tư nhân. Do đó, đầu ra của ngành luôn rộng mở, sinh viên mới ra trường sẽ được săn đón, tạo điều kiện để thực tập và trở thành nhân viên chính thức tại các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe.
Đối với cử nhân mới ra trường, sẽ có thu nhập ổn định, dao động từ 8-15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, những chuyên viên phục hồi chức năng có kinh nghiệm, tay nghề cao có thể nhận chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe cho các bệnh nhân tại nhà với mức thu nhập khoảng 200.000 đồng/giờ. Đối với sinh viên trang bị thêm nhiều kỹ năng khác như ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, trò chuyện cùng bệnh nhân sẽ dễ tìm kiếm việc làm, mức thu nhập ổn định hơn.
Ngành An toàn không gian số
Sự ra đời của Luật An toàn thông tin mạng; Luật An ninh mạng; Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030... là minh chứng cho thấy nhu cầu xã hội, thách thức về bảo mật thông tin và an ninh mạng ngày càng cấp thiết. Ngành An toàn không gian số - Cyber security ra đời không chỉ nhằm bảo vệ thông tin và tài sản của các cá nhân, doanh nghiệp mà còn đóng góp vào việc bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn thông tin toàn cầu.
An toàn không gian số (Cyber Security) hay An ninh mạng chính là ngành nghiên cứu về cách bảo vệ máy tính cùng các thông tin quan trọng, bảo mật khỏi nguy cơ bị xâm nhập, đánh cắp. Các chuyên gia an toàn không gian số cần phát hiện, ngăn chặn và chống lại các cuộc tấn công. Để làm được điều đó, họ cần tạo ra các hàng rào ngăn cản nhằm chống lại những cuộc tấn công từ bên trong và bên ngoài.
Báo cáo của TopDev - nền tảng tuyển dụng chuyên IT tại Việt Nam về thị trường nhân lực ngành Công nghệ thông tin năm 2023 nêu rõ, vị trí kỹ sư an toàn bảo mật có mức thu nhập trung bình khoảng 45 triệu đồng/tháng. Mức lương này chỉ đứng sau các vị trí như Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu. Hay với vị trí chuyên gia an ninh mạng có thể nhận được mức trung bình là 50 triệu đồng/tháng, vượt trội so với hầu hết các vị trí khác.
Ở Việt Nam, các trường đại học đã và đang không ngừng hoàn thiện chương trình giảng dạy chuyên ngành an toàn không gian số để chất lượng giảng dạy tốt hơn và đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Những trường có chương trình chuyên đào tạo ngành này tại nước ta phải kể đến: Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật mật mã, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Công nghệ Thông tin – ĐH Quốc Gia TP.HCM…