Tình yêu vô điều kiện vượt lên số phận
Năm 1955, bà Liu Fang chào đời tại Ma Thành, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Sau khi kết hôn, bà theo chồng đến Hoàng Thạch và từ đó định cư ở đây. Hơn 40 năm qua, thành phố này đã chứng kiến tuổi thanh xuân, tình yêu và cả những thăng trầm trong cuộc đời bà.
Bà và chồng có 3 cô con gái, gia đình dù không khá giả nhưng cũng đơn giản và hạnh phúc. Tuy nhiên, năm 1988, khi cô con gái út mới hơn 1 tuổi, chồng bà đột ngột qua đời. Gánh nặng cuộc sống bỗng chốc đè nặng lên đôi vai gầy guộc của bà Liu Fang. Bà từng làm thợ sơn, làm nhân viên vệ sinh, bán trái cây, nỗ lực nuôi lớn 3 cô con gái, cuộc sống dần có khởi sắc.
Chồng mất sớm, bà Liu Fang một mình vất vả nuôi lớn 3 người con gái.
Năm 2007, bà Liu khi đó 52 tuổi. Trong 3 người con của bà, lúc này chỉ có con gái út vẫn đang học đại học. Con đường dài tưởng chừng chỉ còn một ngọn núi cuối cùng phải vượt qua, nhưng số phận lại bất ngờ rẽ lối tại thời điểm này.
Để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, bà Liu nhận làm bảo mẫu bán thời gian. Thời điểm đó, bà Liu nhận chăm sóc Xiao Jie, một bé trai 2 tuổi rưỡi. Chỉ sau 2 tháng, cha của Xiao Jie đột nhiên biến mất, bỏ lại đứa bé bơ vơ.
Tìm đến gia đình Xiao Jie, bà bàng hoàng nhận ra mẹ cậu bé bị bệnh nặng, bà nội già yếu, còn cha thì bặt vô âm tín. Không thể gửi Xiao Jie vào viện phúc lợi, bà Liu Fang ở tuổi 52 đã quyết định một mình gánh vác trách nhiệm nuôi nấng Xiao Jie, từ một "bảo mẫu" trở thành "bà nội" đúng nghĩa. Lòng trắc ẩn đã chiến thắng mọi khó khăn và lời khuyên can.
Sự hy sinh lặng thầm và thành quả ngọt ngào
Giữ Xiao Jie lại đồng nghĩa với việc gánh vác gấp đôi sự khó khăn trên vai. Trước khi Xiao Jie vào tiểu học, bà gửi cậu bé đến một lớp học mầm non ở cách nhà 2 cây số. Đoạn đường này, bà Liu chọn cách đi bộ để không tốn kém song với 4 chuyến mỗi ngày, bà không khỏi mệt mỏi rã rời, đau lưng mỏi gối.
Kinh tế eo hẹp buộc bà phải tính toán chi li. Bà có 1800 tệ lương hưu mỗi tháng, toàn bộ để dành làm chi phí sinh hoạt cho Xiao Jie. Bà lại tìm thêm một công việc vệ sinh, kiếm được 1400 tệ mỗi tháng để tự trang trải.
Mỗi ngày đi làm, bà thức dậy lúc 5 giờ rưỡi sáng, đi bộ 2 cây số đến trạm xe buýt chỉ để khỏi phải chuyển tuyến và tiết kiệm 2 tệ tiền xe. Ở nhà một mình, bà hiếm khi ăn đồ mặn, một bát mì hoặc cháo loãng là đủ qua bữa. Nhưng đối với Xiao Jie thì bà không bao giờ tiếc nuối, luôn tìm cách cải thiện bữa ăn cho cậu.
"Cháu đang tuổi ăn tuổi lớn, ăn uống không thể quá thanh đạm", đó là câu bà thường xuyên nói.
Xiao Jie yếu ớt, hay ốm đau. Khi cậu học mầm non, bà Liu thường đặt mua sữa cho cháu cả năm, còn bản thân thì không dám nếm thử dù chỉ một giọt.
Bà Liu luôn đặc biệt chú trọng việc học của Xiao Jie.
Với kinh nghiệm làm giáo viên, bà đặc biệt chú trọng việc học của Xiao Jie. Bà duy trì thói quen đánh thức cháu lúc 6 giờ sáng để đọc sách 30 phút, kèm cặp Xiao Jie khi cậu học kém tiếng Anh và mạnh dạn đăng ký các lớp học thêm dù chi phí là gánh nặng lớn. Sự hy sinh và lòng tốt của bà đã lay động 3 người con gái ruột. Từ chỗ không hiểu, họ dần ủng hộ và coi Xiao Jie như em trai mình, hỗ trợ cậu học hành và sinh hoạt.
Duy nhất một lần bà tức giận với Xiao Jie là khi cậu học cấp 3, đam mê game khiến sức khỏe sa sút. Bà đã rơi nước mắt và ném chiếc điện thoại xuống đất. Khoảnh khắc ấy như khiến Xiao Jie bừng tỉnh. Cậu trở nên chăm chỉ hơn, liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Mùa hè năm 2023, Xiao Jie đỗ Đại học Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Trung Nam với 540 điểm. 16 năm gian nan của bà Liu Fang đã đọng lại thành những giọt nước mắt hạnh phúc. Khi được hỏi về động lực, bà chỉ chia sẻ một cách rất giản dị: "Nếu tôi không nuôi dạy đứa trẻ tốt, để nó hư hỏng, người ngoài sẽ nói tôi, gia đình nó cũng sẽ trách tôi".
Khoảnh khắc cháu nhận được giấy báo trúng tuyển là khoảnh khắc hạnh phúc nhất đối với bà.
Giờ đây, bà Liu Fang vẫn tiếp tục cuộc sống vất vả để nuôi Xiao Jie học hết đại học. Xiao Jie cũng không phụ lòng bà. Cậu bé đạt thành tích xuất sắc, làm thêm kiếm tiền mua quà, mua thuốc cho bà, thể hiện lòng biết ơn và sự trưởng thành.
"Bà nội trước đây đã luôn gánh vác gia đình này, bảo vệ con, chăm sóc con khôn lớn. Con cũng hy vọng có thể dùng khả năng của mình, dùng sự ấm áp của mình, để chăm sóc tốt cho gia đình này”, cậu bé chia sẻ.
