Thời điểm mùa du lịch cao điểm đang đến gần cũng là lúc nhu cầu đặt phòng khách sạn tăng mạnh. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã chuẩn bị sẵn nhiều kịch bản tinh vi nhằm trục lợi, “moi tiền” từ ví của du khách nhẹ dạ cả tin.
Trên thực tế, hành vi cưỡng đoạt tài sản thông qua hình thức lừa đặt tiền cọc khi đặt phòng khách sạn, cơ sở lưu trú không quá mới. Song, với mức độ tinh vi, bài bản và sự chuẩn bị “không kẽ hở” của nhóm người xấu mà có nhiều trường hợp bị thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng khi chuyển khoản cho các đối tượng này.
Cụ thể, các đối tượng có ý đồ xấu đã xây dựng các Fanpage mạo danh cơ sở kinh doanh lưu trú còn chuyên nghiệp hơn tài khoản thật. Chúng sử dụng hình ảnh thật của cơ sở kinh doanh lưu trú, lấy thông tin từ website “chính chủ” để tạo lòng tin. Một số trang còn chạy quảng cáo để tiếp cận khách hàng, khiến nạn nhân tin rằng đây là trang chính thống.
Thậm chí, kẻ gian còn đầu tư "mua" tick xanh Facebook, khiến người sử dụng rất khó phân biệt trang nào thật, trang nào giả. Khi khách hàng nhắn tin đặt phòng, kẻ gian sẽ yêu cầu chuyển khoản tiền cọc, thường từ 30-50% giá trị phòng, sau đó chặn liên lạc hoặc biến mất hoàn toàn.
Một số trường hợp khác, Fanpage giả vẫn duy trì hoạt động và tiếp tục lừa các nạn nhân khác, do đó nhiều người đã vô tình rơi vào hoàn cảnh trớ trêu - đặt phòng “ma”.
Đáng chú ý, các quy trình diễn ra một cách bài bản và có dấu hiệu cho thấy đây là một mạng lưới có tổ chức, với nhiều đối tượng đứng sau, hoạt động trên diện rộng và thay đổi hình thức liên tục để tránh bị phát hiện. Dù cơ quan chức năng đã liên tục kiểm tra, xử lý và truyền thông đến người dân để tránh bị lừa đảo, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp sập bẫy của các đối tượng này.
Vì thế, trước khi quyết định đặt phòng khách sạn, bạn hãy kiểm tra thật kỹ mọi thông tin và sau đây sẽ là một số cách đơn giản để phòng tránh những rủi ro khi đặt phòng khách sạn qua các nền tảng mạng xã hội.
