Ngành học thời thượng trong nền công nghiệp 4.0
Kỹ thuật Cơ điện tử (Mechatronics Engineering) là ngành học mang tính liên ngành cao, kết hợp giữa kỹ thuật cơ khí, điện - điện tử, điều khiển tự động và công nghệ thông tin. Mục tiêu của ngành là tạo ra những sản phẩm và hệ thống thông minh, có khả năng tự động hóa cao, từ các thiết bị gia dụng thông minh cho đến robot công nghiệp, dây chuyền sản xuất tự động hay máy móc y tế hiện đại.
Trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của ngành Cơ điện tử ngày càng trở nên quan trọng. Đây là thời đại mà trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ tự động hóa đóng vai trò trung tâm. Nhờ vào tính liên ngành, Cơ điện tử chính là chìa khóa để phát triển các hệ thống sản xuất thông minh, nhà máy thông minh và các thiết bị tích hợp AI. Có thể nói, ngành Cơ điện tử không chỉ tạo ra các sản phẩm công nghệ cao mà còn góp phần quyết định năng suất và sức cạnh tranh của nền công nghiệp trong nước trên trường quốc tế.
Ngày Kỹ thuật Cơ điện tử và Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử là 2 ngành học khác nhau. Trong khi Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử học chuyên sâu về điện và các vấn đề liên quan như phát điện, truyền tải, phân phối, tiêu thụ và thiết bị điện, thì ngành Kỹ thuật Cơ điện tử không nghiên cứu quá chuyên sâu và nội dung học gồm sự lai ghép của các ngành Điện, điện tử, Cơ khí, Tự động hóa và Công nghệ thông tin.
Thế mạnh của từng ngành nằm ở nội dung đào tạo, ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử sẽ làm việc chuyên môn trong các lĩnh vực của ngành điện còn ngành Kỹ thuật Cơ điện tử thì làm ở các nhà máy, xí nghiệp cần có những kỹ sư am hiểu tổng quan nhiều hơn để vận hành dây chuyền sản xuất, quản lý nhà máy, xưởng sản xuất, hoặc các hệ thống tự động phức tạp.
Chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Công nghiệp cho hay: "Trong giai đoạn hiện nay sự giao thoa khá lớn nên vị trí việc làm của 2 ngành này nhiều nơi là tương đồng. Học sinh nếu đam mê cơ khí và tự động hóa (thiên về lập trình ứng dụng) thì nên chọn ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, còn muốn làm thuần túy về điện thì nên học Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử".
Cơ hội việc làm rộng mở, mức lương hậu hĩnh
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ điện tử được xây dựng theo hướng tích hợp, trang bị cho sinh viên những kiến thức nền tảng và chuyên sâu trong cả ba lĩnh vực: cơ khí, điện - điện tử và công nghệ thông tin.
Sinh viên sẽ được học về thiết kế và chế tạo các cơ cấu cơ khí chính xác, từ việc đọc bản vẽ kỹ thuật đến việc sử dụng các phần mềm mô phỏng để thiết kế máy móc. Đồng thời, các kiến thức về mạch điện, điện tử cơ bản và nâng cao, cảm biến, hệ thống điều khiển, vi xử lý và lập trình điều khiển cũng được trang bị một cách đầy đủ.
Cơ điện tử là ngành rất quan trọng và không thể thiếu trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Cơ điện tử có cơ hội nghề nghiệp rất rộng mở, bởi tính ứng dụng cao và nhu cầu nhân lực lớn từ nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội hiện đại. Với nền tảng kiến thức đa ngành, kỹ sư Cơ điện tử có thể làm việc trong các công ty sản xuất công nghiệp, tập đoàn công nghệ, khu công nghệ cao, các công ty chế tạo máy, điện tử, ô tô, tự động hóa, robot, năng lượng hoặc y sinh kỹ thuật.
Vị trí công việc rất đa dạng như kỹ sư thiết kế máy móc, kỹ sư vận hành và bảo trì dây chuyền sản xuất, chuyên viên lập trình hệ thống điều khiển tự động, kỹ sư robot công nghiệp, chuyên gia phát triển thiết bị công nghệ thông minh, kỹ sư hệ thống IoT, hoặc làm việc trong các dự án công nghệ cao ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, thành phố thông minh.
Ngoài ra, những người có định hướng học thuật có thể làm giảng viên, nghiên cứu viên, hoặc tiếp tục học lên cao học, nghiên cứu sinh tại các trường đại học trong và ngoài nước. Trong bối cảnh các doanh nghiệp FDI, tập đoàn đa quốc gia liên tục mở rộng tại Việt Nam, ngành Cơ điện tử đang trở thành một trong những ngành kỹ thuật có triển vọng nghề nghiệp hấp dẫn nhất hiện nay.
Mức lương của ngành Kỹ thuật Cơ điện tử được đánh giá là khá cao so với mặt bằng chung của nhiều ngành nghề khác trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, trung bình từ 15-45 triệu đồng/tháng. Những người có khả năng quản lý dự án, am hiểu công nghệ cao, sử dụng thành thạo phần mềm chuyên dụng, hoặc làm việc tại nước ngoài thậm chí có thể đạt mức lương từ 50-100 triệu/tháng. Ngoài công việc toàn thời gian, kỹ sư Cơ điện tử còn có thể nhận dự án riêng, làm tư vấn kỹ thuật hoặc đào tạo kỹ năng, mở rộng thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Các trường đào tạo ngành này gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Mỏ địa chất... Điểm chuẩn năm 2024 dao động từ 22-28 tuỳ trường và tổ hợp xét tuyển, phổ biến là A00 và A01.
