Ở một góc nhỏ tại số 14 đường Trần Ngọc Diện (phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức), lớp học vẽ miễn phí của một người mẹ có con mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ ra đời như một giấc mơ dịu dàng mà kiên định. Ở đó, bút màu không chỉ vẽ nên tranh, mà còn vẽ nên cả cuộc sống của những đứa trẻ đặc biệt.
Mẹ muốn con được là chính con
Không phải họa sĩ, cũng chẳng phải nhà hoạt động xã hội chuyên nghiệp, chị Hoàng Tích Thị Tâm Trang chỉ là một người mẹ mang trong mình tất cả những trăn trở và hy vọng dành cho cậu con trai Dorjee đang sống trong thế giới riêng, nơi mà ngôn từ đôi khi trở thành rào cản.
Bốn mươi tuổi, chị Trang lần đầu làm mẹ. Mười bốn tháng, từ những ngày đầu biết mình mang thai, những lần siêu âm nhìn thấy bé con nhỏ xíu nằm cuộn tròn, đến khoảnh khắc được ôm con trong vòng tay là chuỗi ngày hạnh phúc nhất đời chị.
Những tháng đầu tiên bên con là quãng thời gian ngọt ngào đến nao lòng. Chị yêu con vô cùng, yêu đến mức từng giây từng phút bên con đều trở thành khoảnh khắc quý giá nhất đời mình. Nhưng hạnh phúc ấy dần chao đảo khi Dorjee tròn 15 tháng. Chị Trang bắt đầu nhận ra những điều khác lạ nơi con.
“Con luôn cười nhưng đôi mắt không mấy khi chạm vào ánh nhìn của mẹ. Tôi gọi tên con, con chẳng phản ứng, nhưng tiếng động lớn bất chợt vang lên lại khiến con giật mình. Ban đầu, tôi tự trấn an rằng có lẽ con chỉ hơi chậm hơn những đứa trẻ khác. Nhưng ngày qua ngày, linh cảm của một người mẹ khiến tôi không thể ngừng lo lắng”, chị kể.
Chị Trang luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con trai của mình.
Như để chứng minh cho nỗi lo của chị không phải thừa thãi, sau khi đưa con đi khám, bác sĩ kết luận Dorjee mắc phải hội chứng rối loạn phổ tự kỷ. Nhớ lại khoảng thời gian tiếp nhận những thông tin về tự kỷ chị nghẹn ngào: “Càng tìm hiểu về hội chứng của con tôi càng tuyệt vọng, tự kỷ không thể chữa được! Với một người mẹ như tôi, tin này như một cú sốc lớn, khiến bao ước mơ, khao khát một cuộc đời bình an cho con dường như sụp đổ hoàn toàn. Từ đỉnh cao của hạnh phúc, tôi rơi vào khoảng lặng đau đớn”.
Những ngày sau đó là chuỗi dài chị Trang chật vật chạy khắp nơi tìm trường, tìm lớp, tìm một nơi nào đó để con có thể hòa nhập. Chị cho Dorjee theo học tại các trung tâm, các trường quốc tế, với hy vọng con có thể thích nghi với môi trường xã hội. Nhưng rồi, chị dần nhận ra, những tờ giấy chứng nhận, giấy khen hay việc lên lớp không đảm bảo Dorjee có thể hòa nhập được với mọi người.
Nhìn con lớn lên với những khó khăn mà trẻ tự kỷ phải đối mặt, chị nhận ra rằng Dorjee cần nhiều hơn sự chăm sóc thông thường. Và rồi chính khả năng nghệ thuật bẩm sinh của Dorjee đã khơi dậy trong chị một ý tưởng lớn hơn: tạo ra một môi trường để con không chỉ phát triển cá nhân, mà còn kết nối với thế giới bên ngoài. “Tôi muốn con mình được giao tiếp, được gặp gỡ bạn bè, được thể hiện bản thân theo cách của con”, chị Trang chia sẻ.
Nhưng lý do mở lớp vẽ không dừng lại ở Dorjee. Hơn 10 năm đồng hành cùng con, chị Trang càng thấu hiểu nỗi cô đơn của những đứa trẻ tự kỷ và cả sự bất lực của những bậc cha mẹ khi con mình không thể thích nghi với môi trường học tập thông thường. Mỗi câu chuyện chị nghe được đều là một mảnh ghép của nỗi lòng chung, là nỗi khát khao tìm một nơi mà con mình có thể được đón nhận, được thấu hiểu mà không phải gắng gượng để “hòa nhập”.
Ở lớp vẽ, các em được sống là chính mình, được vẽ nên bức tranh mà mình yêu thích.
“Tôi nghĩ, nếu mình có thể tạo ra một không gian cho Dorjee, tại sao không mở rộng nó cho những đứa trẻ khác?”, chị Trang bày tỏ. Chính từ suy nghĩ ấy, lớp học vẽ của chị Trang đã ra đời.
Không chỉ là một lớp học vẽ đơn thuần, đây còn là nơi những đứa trẻ được lắng nghe, được tôn trọng, được sống đúng với bản thân mà không lo sợ bị phán xét. “Ở đây, các con không có áp lực phải nói, phải cười hay phải hòa nhập theo cách người khác mong đợi. Chỉ có màu sắc, chỉ có những nét vẽ tự do, và trên tất cả, là sự thấu hiểu. Với tôi, ý nghĩa lớn nhất không nằm ở những bức tranh hoàn hảo, mà ở việc các con tìm thấy niềm vui, tìm thấy chính mình giữa những gam màu rực rỡ”, chị Trang chia sẻ.
Mở ra tương lai từ trong tranh vẽ
Lớp học vẽ miễn phí của chị Trang không chỉ mở ra cơ hội cho các em nhỏ, mà còn thay đổi nhận thức của cộng đồng về trẻ tự kỷ. Những bức tranh được treo lên không đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà là cánh cửa mở ra thế giới nội tâm của các em. Nhiều phụ huynh tìm đến lớp học không chỉ để con mình học vẽ, mà còn để tìm một nơi con được yêu thương và phát triển theo cách riêng của chúng.
Nhưng điều khiến chị Trang trăn trở không chỉ dừng lại ở việc giúp trẻ giao tiếp qua tranh vẽ, mà còn là tìm cho con một hướng đi dài lâu. “Tôi không muốn các con chỉ vẽ để giải tỏa cảm xúc, mà còn muốn biến đam mê ấy thành một công việc có thể nuôi sống chính mình. Bởi lẽ, tương lai của các con khi lớn lên là một câu hỏi đầy thách thức với các bậc phụ huynh. Nhưng nếu có một nghề, một hướng đi cụ thể, các con sẽ không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, mà có thể tự bước đi trên đôi chân của chính mình”, chị Trang chia sẻ.
Nhưng con đường để tranh của các con không chỉ được nhìn ngắm mà còn bước ra ngoài thế giới thực sự không dễ dàng. “Không phải ai cũng có không gian để treo tranh, và không phải bức vẽ nào cũng đủ tinh xảo để đứng vững trong thị trường nghệ thuật. Một bức tranh, để đến được với người yêu nghệ thuật, cần nhiều hơn cả cảm xúc là kỹ thuật và sự trau chuốt. Nếu chỉ dựa vào sự đồng cảm, e rằng con đường này chẳng thể đi xa”, chị Trang nói.
Chị Trang hiểu rằng, để các con có một tương lai độc lập, cần một cách tiếp cận thực tế hơn. Vậy là chị nghĩ đến việc đưa tranh vào đời sống, biến chúng thành những sản phẩm thiết thực mà ai cũng có thể sử dụng. Túi xách, áo thun, sổ tay, khăn choàng… những món đồ hàng ngày nhưng mang dấu ấn sáng tạo của những đứa trẻ đặc biệt.
Lớp học phần nào đó giúp định hướng nghề nghiệp cho trẻ tự kỷ.
Cách làm này không chỉ giúp tranh của các bé tiếp cận được nhiều người, mà quan trọng hơn cả, nó đem đến cho những đứa trẻ tự kỷ một công việc thực sự, mở ra một cánh cửa cho tương lai. “Khi con tự kiếm được tiền từ chính khả năng của mình, con không còn là đứa trẻ sống nhờ vào lòng thương, mà là một cá nhân có giá trị thật sự. Điều đó không chỉ quan trọng với con, mà còn tháo bớt gánh nặng trên vai cha mẹ, trở niềm tự hào của gia đình”, chị Trang nói.
Những đồng tiền đầu tiên các bé kiếm được từ những bức vẽ không chỉ là thu nhập, mà còn là một lời khẳng định: Các con có thể làm được. Các con xứng đáng có một vị trí trong xã hội.
Lớp học nhỏ không chỉ là giấc mơ của riêng Dorjee hay chị Trang, nó là ánh sáng len lỏi đến những gia đình đang trên hành trình đồng hành cùng con mắc phải hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, là nơi phụ huynh ngồi lại, chia sẻ câu chuyện của mình và nhận ra họ không cô đơn.
Mỗi bức tranh ở lớp học là một câu chuyện. Có những nét vẽ nguệch ngoạc nhưng chứa đầy tình cảm, có những gam màu rực rỡ như chính ước mơ của các em về một thế giới không còn khoảng cách. Lớp học nhỏ bé này không chỉ là nơi bồi dưỡng kỹ năng mà còn là nơi trẻ tự kỷ vẽ nên cuộc sống của chính mình, từng chút một, bằng những gam màu của hy vọng. Trên hành trình ấy, chị Trang không chỉ là một người mẹ, mà còn là một người thắp lửa, gieo hy vọng cho những đứa trẻ đặc biệt. Vì ở đây, bút màu không chỉ vẽ nên tranh, mà còn vẽ nên một tương lai.
