Conic Boulevard

Từ bóng tối... đến ánh sáng kỳ diệu, trở thành Kỷ lục gia thế giới của cậu bé mắc hội chứng tự kỷ ở Hà Tĩnh

Vốn là một cậu bé bị tự kỷ nặng, mẹ không ở bên cạnh, bố mất vì tai biến, cuộc đời của Khắc Hưng (ở Hà Tĩnh) tưởng chừng như không còn lối thoát nhưng em đã tạo nên những kỳ tích kỳ diệu, trở thành Kỷ lục gia thế giới. Hành trình của Hưng không chỉ là câu chuyện về nghị lực phi thường, mà còn truyền cảm hứng về lòng kiên trì và sức mạnh của tình yêu thương.

Là một cậu bé bị tự kỷ độ 3, thiếu thốn tình thương, sống khép mình trong thế giới riêng suốt những năm đầu đời, ít ai ngờ rằng Nguyễn Khắc Hưng (SN 2009,ở xã Cẩm Vĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) lại có thể tạo nên một kỳ tích khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. 

Chạm đáy số phận khi mắc chứng tự kỷ nặng, hoàn cảnh gia đình éo le

Cuộc sống đã không mỉm cười với Nguyễn Khắc Hưng ngay từ khi em còn nhỏ. Năm lên 2 tuổi, mẹ Hưng vướng vào vòng lao lý phải thụ án. Bố là người thân duy nhất cũng qua đời vì tai biến năm em 13 tuổi. Những biến cố liên tục ập đến khiến cuộc đời của Hưng thêm éo le, em sống trong một thế giới tách biệt, không lời nói, không một cái ôm vỗ về như những đứa trẻ khác.

Chân dung cậu bé đặc biệt Nguyễn Khắc Hưng

Chân dung cậu bé đặc biệt Nguyễn Khắc Hưng

Khắc Hưng bị tự kỷ nặng. Kết quả khám bệnh ngày 9/6/2023 của Khắc Hưng ghi: cá nhân xã hội như trẻ 5 tuổi, vận động tinh 4 tuổi, ngôn ngữ dưới 2,5 tuổi, vận động thô 6 tuổi, biểu hiện thờ ơ với xung quanh, hạn chế giao tiếp mắt, hạn chế giao tiếp bằng ngôn ngữ, nhận biết hạn chế nhiều so với tuổi, cười vô cớ, thang điểm CARS là 47/60, tự kỷ nặng cấp độ 3.

Trong mắt người đời, số phận của em dường như đã chạm đáy. Nhưng trong chính thời điểm tưởng chừng không còn lối thoát ấy, cuộc sống đã gieo vào hành trình của em một mầm hi vọng...

Mầm hi vọng loé sáng khi em gặp người thầy - người cha không máu mủ

Một trong những người gắn bó với Khắc Hưng từ ngày đầu chính là cô giáo Lê Kim Dung. Nhắc đến trường hợp của Khắc Hưng - cậu học trò để lại nhiều cảm xúc nhất, cô Dung chia sẻ: "Trước khi ra Hà Nội, Hưng đã theo học ở Vinh trong nhiều năm. Nhưng bố của Hưng cảm thấy môi trường học 1:1 không còn phù hợp nữa, con chạy nhảy không kiểm soát, nói linh tinh, thậm chí thường xuyên nhại lời. Bố mong muốn con có bạn, có môi trường để vận động, giao tiếp, nên quyết định đưa Hưng ra Hà Nội".

Tháng 2/2019, sau nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ của người thân và các thầy cô, Khắc Hưng được đưa ra Hà Nội, gia nhập vào một trung tâm dành cho trẻ tự kỷ. "Lúc Hưng đến với trung tâm, con hầu như không có kỹ năng gì. Mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0. Ở đây, con mới bắt đầu học từng chút một, từ đạp xe, tung bóng, đội chai trên đầu, đứng trên con lăn, giữ thăng bằng trên bóng, cho tới những phím đàn đầu tiên. Mỗi kỹ năng là một bước tiến nhỏ nhưng là cả một hành trình dài đằng đẵng đầy mồ hôi, kiên trì và hi vọng", cô Dung nói.

Khắc Hưng nhận Kỷ lục gia Việt Nam cùng TS Phan Quốc Việt

Khắc Hưng nhận Kỷ lục gia Việt Nam cùng TS Phan Quốc Việt

Thời điểm mới gặp Khắc Hưng lần đầu, TS Phan Quốc Việt nhận xét cậu bé rất nhút nhát, hiền lành, dễ thương. Cậu bé rất hay đứng khóc một mình, ít giao tiếp với mọi người và thường tách ra khỏi bạn bè ở trung tâm. Tuy nhiên, khoảng 1-2 tuần sau, con bớt nhút nhát hơn.

Bắt đầu từ con số 0, cậu bé Hưng vẫn chưa biết đạp xe, chưa thể cầm đũa, chưa tự vệ sinh cá nhân đang dần đi tìm lại chính mình. Những ngày đầu, Hưng chỉ biết chạy nhảy không kiểm soát, nói linh tinh. Nhưng rồi từng chút một, Hưng được dạy nhiều kỹ năng hơn. Tưởng chừng chúng chẳng liên quan gì đến nhau nhưng lại trở thành phương thuốc kỳ diệu giúp Khắc Hưng rèn luyện khả năng tập trung, kiểm soát cơ thể và cảm xúc.

Mỗi ngày, Khắc Hưng và các bạn luyện tập ít nhất 6 tiếng, nhiều nhất 8 tiếng đồng hồ. TS Phan Quốc Việt vô cùng ấn tượng với cậu học trò nhỏ: "Với các con, tôi luôn đi theo châm ngôn rằng: Trẻ thấy thì thích, thích thì theo, theo thì tin, tin thì tập, tập thì thành tài. Hưng có cái đặc biệt là lúc đầu chưa biết thời gian. Lúc đó, thầy bảo tập 1 giờ nhưng không biết 1 giờ là gì cả. Thầy phải chỉ là tập từ số 9 đến số 10 thì dừng nhưng Hưng rất kiên gan, cứ đứng tập tận 3 tiếng đồng hồ. Bảo nghỉ cũng không chịu, cứ lắc đầu bảo không. Khắc Hưng có tính mục đích cao, luôn thích dẫn đầu và đặc biệt rất... lì đòn".

Một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến hành trình của Khắc Hưng là lương y Lưu Anh Chức – người được Hưng gọi bằng hai tiếng thân thương “bố Chức”.

Thầy Chức không chỉ dạy mà còn sống cùng em, sát cánh bên em trong từng bữa ăn, giấc ngủ, từng nỗ lực tưởng chừng nhỏ nhặt nhất, như cách cầm đôi đũa để gắp một hạt lạc. Với Hưng, mỗi bước tiến đều là chiến thắng. Còn với thầy Chức, không gì quý giá hơn giây phút thấy Hưng học thêm được kỹ năng mới, dù chỉ là rửa được bát hay đàn được một bản nhạc...

Nguyễn Khắc Hưng là minh chứng cho thấy trẻ tự kỷ nặng cũng có thể làm được những việc phi thường.

Nguyễn Khắc Hưng là minh chứng cho thấy trẻ tự kỷ nặng cũng có thể làm được những việc phi thường.

Thầy Chức áp dụng một phương pháp đặc biệt: “Năng lượng kép” - vừa yêu thương, vừa kỷ luật. Những giờ tập đàn, luyện xiếc, đứng thăng bằng... tưởng như khắc nghiệt nhưng lại là cầu nối để Khắc Hưng trở nên mạnh mẽ, tự tin, và kiên trì. Phương châm của thầy là: "Tu tật thành tài" và Hưng đã làm được điều tưởng như không thể. Sau thời gian dài rèn luyện, Hưng từ một học viên trở thành trợ giảng, giúp các bạn, các thầy cô tập các bài vận động. Em cũng giúp việc cho các bố mẹ, các anh chị em trong gia đình ở trung tâm.

Từ bóng tối... đến ánh sáng kỳ diệu, trở thành Kỷ lục gia thế giới

Cậu bé từng đứng khóc một mình trong góc lớp, giờ đã có thể thăng bằng trên bóng y tế, tung ba quả bóng tennis, vừa hát, vừa mỉm cười. Mỗi ngày Hưng tập luyện không dưới 6 tiếng, có hôm lên tới 8 tiếng. Với em, xiếc không chỉ là biểu diễn – đó là phép màu giúp em giao tiếp với thế giới.

Mặc dù đã lập nhiều kỷ lục nhưng Khắc Hưng vẫn không ngừng luyện tập, không ngừng tiến về phía trước

Mặc dù đã lập nhiều kỷ lục nhưng Khắc Hưng vẫn không ngừng luyện tập, không ngừng tiến về phía trước

Ngày 13/12/2022, em được công nhận là “Cậu bé tự kỷ biểu diễn kết hợp các kỹ năng”. Chưa dừng lại ở đó, ngày 21/6/2023, Tổ chức Guinness Thế giới ghi nhận Khắc Hưng lập kỷ lục thế giới khi đứng thăng bằng trên bóng, đội bóng trên đầu và tung 3 bóng liên tục trong 35 phút 9 giây. Đây là kỳ tích mà không ai tin một cậu bé từng mắc tự kỷ nặng lại có thể làm được.

Tháng 3/2024, tại sự kiện "Minh chứng Kỷ lục gia Guinness Thế giới", Khắc Hưng một lần nữa phá kỷ lục chính mình: giữ thăng bằng, đội bóng, tung bóng trong thời gian lên tới 46 phút 54 giây và thêm một kỷ lục mới với xe đạp một bánh.

Mặc dù đã lập nhiều kỷ lục nhưng Khắc Hưng vẫn không ngừng luyện tập, không ngừng tiến về phía trước, bởi em biết: điều kỳ diệu không đến từ may mắn, nó đến từ sự bền bỉ, từ tình yêu và từ niềm tin rằng mọi đứa trẻ, kể cả những đứa trẻ "đặc biệt" nhất đều có quyền được toả sáng.

Từ bóng tối... đến ánh sáng kỳ diệu, trở thành Kỷ lục gia thế giới của cậu bé mắc hội chứng tự kỷ ở Hà Tĩnh - 5

17 năm mò mẫm tìm đường cứu con tự kỷ, người mẹ bật khóc khi nghe con gọi được hai tiếng Mẹ ơi
17 năm mò mẫm tìm đường "cứu" con tự kỷ, người mẹ bật khóc khi nghe con gọi được hai tiếng "Mẹ ơi"
17 năm đồng hành cùng con trai mắc hội chứng tự kỷ, chị Quách Mỹ Oanh đã viết nên một hành trình phi thường bằng chính tình yêu thương vô điều kiện và...
Bấm xem >>

Kiên cường yêu thương