Miền Tây Nam Bộ có nhiều loại rau mọc hoang dại nhưng mang giá trị ẩm thực và y học đặc biệt. Một trong những loài cây dân dã ấy chính là rau đắng đất.
Rau đắng đất vốn mọc hoang dại nhưng khi chế biến món ăn lại rất độc đáo
Khác với rau đắng biển có thân tròn, mọng nước, rau đắng đất là cây thân thảo, bò sát mặt đất, cành mảnh mai, lá nhỏ hình mũi mác, màu xanh nhạt. Chúng thường mọc đơn lẻ, không chen chúc thành bụi lớn mà lặng lẽ lan ra ở ven đường, mé ao, bờ ruộng hay trong liếp mía, nơi đất đai khô cằn, nứt nẻ vì nắng hạn.
Điều thú vị là rau đắng đất không mọc quanh năm mà chỉ xuất hiện vào những tháng hạn khi đất đã cạn nước, trời hanh nắng. Chính trong điều kiện khắc nghiệt ấy, rau đắng đất âm thầm vươn lên, non xanh mơn mởn như minh chứng cho sức sống mãnh liệt, dẻo dai của loài cây quê mùa này.
Rau đắng đất dễ mọc hoang nhưng khó trồng
Tuy dễ mọc hoang nhưng rau đắng đất lại rất khó trồng vì rễ cây nông, không bám sâu vào đất. Chỉ cần bứng từ nơi này sang nơi khác là có thể héo rũ, không sống nổi.
Ngay từ tên gọi, rau đắng đã gợi nên một vị đặc trưng không thể lẫn vào đâu, đó là vị đắng chát nơi đầu lưỡi, nhưng lạ thay càng nhai lại càng thấy ngọt hậu, mát lành. Vị đắng ấy không quá gắt như mướp đắng, mà thanh hơn, nhẹ hơn, khiến người ăn từ lạ thành quen, từ sợ mà thành nghiện.
Bạn Hà Anh (An Giang) chia sẻ: "Lúc nhỏ, ăn rau đắng ai cũng lắc đầu vì đắng quá. Nhưng ba mình hay nói: Tiền đắng hậu ngọt, từ từ con sẽ thấy ngon. Đến khi xa quê rồi mới thấy nhớ cái đắng ấy da diết".
Nổi tiếng nhất ở các tỉnh Tây Nam Bộ là món cháo cá lóc rau đắng đất, đặc sản bình dị nhưng khiến thực khách gần xa mê mẩn nếu có cơ hội được thưởng thức.
Cháo cá lóc nấu rau đắng đất mang hương vị đặc biệt
Nếu có dịp đến Tiền Giang, bạn đừng bỏ qua tô cháo cá lóc nóng hổi, thơm lừng mùi tiêu, hành phi. Cháo được nấu cùng nấm rơm, thịt cá lóc tươi rói được gỡ riêng, rau đắng thì bày riêng ra dĩa để chấm hoặc ăn kèm. Cái vị đăng đắng thoảng qua đầu lưỡi, nhưng càng ăn càng thấy ngọt hậu, từng gắn với ký ức tuổi thơ của các thế hệ lớn lên ở vùng đất này.
Ngày xưa, rau đắng đất được xem là “rau cứu đói”. Những bữa cơm đạm bạc thời khốn khó chỉ cần có rau đắng nấu với ít cá đồng cũng đủ no lòng. Vậy mà theo năm tháng, cái vị đắng ngày ấy dần trở thành hương vị gợi nhớ. Từ loại rau mọc hoang dại, rau đắng đất nay đã trở thành đặc sản được săn lùng, xuất hiện trong các quán ăn, nhà hàng. Tại các chợ quê hay trên các sàn thương mại điện tử, rau đắng đất có giá khoảng 60.000 đồng/kg.
Rau đắng đất có thể dùng để chế biến thành nhiều món ăn ngon như: canh cá rô rau đắng, canh cá hủn hỉn, cháo cá rau đắng, rau đắng xào… Dù chế biến đơn giản hay cầu kỳ, rau đắng vẫn giữ được vị riêng không thể lẫn vào đâu.
