Ở Việt Nam có khá nhiều siêu cây cảnh được giới yêu cây xếp vào hàng độc bản, có giá trị tiền tỷ, thậm chí là vài trăm tỷ đồng khiến ai nghe cũng thấy choáng váng. Việc định giá này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về tuổi đời hay độ "kỳ hoa dị thảo", dáng thế độc lạ...
Trong đó phải kể tới cây mưng thuộc sở hữu của ông Liệt, một người khá nổi tiếng trong giới chơi cây cảnh ở An Gang. Cây mưng này đặc biệt không chỉ bởi tuổi đời trên trăm năm, mà còn nhờ thế dáng hiếm có và nghệ thuật tạo hình công phu.
Cây sở hữu một thân chính vững chãi, được uốn nắn theo phong cách cổ thụ bonsai truyền thống, thể hiện rõ nét vẻ đẹp của sự trường tồn và phong thái vững vàng. Với hoành gốc lên đến hơn 4 mét, chiều cao khoảng 7 mét và đường kính tán rộng hơn 6 mét, cây mưng này được đánh giá là “cực phẩm” trong giới chơi cây.
Vì tạo dáng bonsai cực đẹp nên gốc cây được chủ nhân định giá không hề rẻ, lên đến 120 tỷ đồng.
Ông Tình - một người chơi cây cảnh nổi tiếng ở Hà Nội cũng sở hữu chậu mưng tiền tỷ thu hút sự chú ý của giới chơi cây.
Theo ông Tình, cây mưng của ông hiện nay chưa hoàn thiện hoàn toàn nhưng hứa hẹn sẽ trở thành một “siêu phẩm” trong tương lai. Dáng cây lớn, thân gốc hơi xiêu nhưng tay cành, bông tán được uốn tỉa tỉ mỉ, tỷ lệ hài hòa như tiêu chuẩn của những cây bonsai quốc tế. Cây có tay phóng lớn, nhưng vẫn tạo được sự cân đối với thân và gốc – một yếu tố được đánh giá rất cao trong nghệ thuật bonsai.
Hiện tại, giá trị của cây đã vượt mức 1 tỷ đồng, nhưng ông Tình cho biết chưa có ý định bán. Ông muốn tiếp tục nuôi dưỡng và tạo tác thêm để hoàn thiện tác phẩm, chỉ khi tìm được người thực sự am hiểu và có duyên, ông mới sẵn sàng chuyển nhượng.
Trước đó, cây mưng của ông Nguyễn Văn Phúc - một nông dân thuộc vùng cây cảnh Văn Giang (Hưng Yên) khiến giới chơi cây trầm trồ bởi dáng thế độc đáo, bộ rễ “khủng” hiếm có.
Để có được dáng cây như ngày hôm nay, ông Phúc đã mất hàng năm trời kiên trì tạo tác, áp dụng kỹ thuật cao trong chăm sóc. Nhiều đại gia từng ngỏ ý mua cây với giá cao, nhưng ông Phúc vẫn giữ lại. Với ông, người mua không chỉ cần có tiền mà còn cần có hiểu biết và thực sự trân trọng giá trị nghệ thuật của cây.
Cây mưng là loại cây thuộc họ lộc vừng, có tên khoa học là Barringtonia acutangula. Mưng mọc phổ biến ở các vùng đất ẩm ven biển Bắc Úc và Nam Á. Tại Việt Nam, cây mưng phát triển ở khắp mọi miền từ Bắc đến Nam.
Loài cây này mọc dại ở khắp nơi, từ bờ ao, bờ rào đến bãi đất trống, hoặc được trồng làm cảnh. Với con mắt tinh tường và đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân bonsai, cây mưng ngày nay đã “lột xác”, trở thành tác phẩm nghệ thuật mang dáng hình cổ kính, vừa đẹp vừa mang lại nhiều giá trị phong thủy. Hoa của cây này có màu trắng hoặc màu đỏ, nở rực rỡ mỗi khi đến mùa và toả mùi thơm nức mũi, tạo điểm nhấn cho không gian sống.
Nhiều cây mưng bonsai hiện nay được định giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí có cây quý hiếm lên đến tiền tỷ. Trong quan niệm phương Đông, cây cổ thụ lâu năm thường tượng trưng cho sự trường thọ, bền bỉ, hiên ngang trước sóng gió cuộc đời. Cây mưng với thân già, dáng vững, rễ chằng chịt ôm đất, cành lá xòe rộng thể hiện cho khí chất kiên định, sức sống mãnh liệt và sự che chở bền lâu.
Về mặt phong thủy, mưng được xem là loại cây thu hút vượng khí, đem lại sự an yên, hanh thông và may mắn, phước lành cho gia chủ. Đặc biệt, mùi thơm nhẹ của hoa mưng còn được cho là có tác dụng làm dịu tinh thần, thanh lọc không khí, giúp gia đình giữ được hòa khí, thư thái và cân bằng năng lượng.
