Gần 6 năm nay, Cao Minh Ngọc (24 tuổi, quê ở Tuyên Quang) đã làm bạn với rác thải để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng. Hành trình ấy bắt đầu từ khi Ngọc xuống Hà Nội học tập và làm việc. Ban đầu chỉ là những món đồ đơn giản như cốc, đĩa hay đèn ngủ được tái chế từ chai thủy tinh, vỏ lon, gỗ vụn, dần dần trở thành các sản phẩm nghệ thuật nổi bật mang đến thu nhập ổn định cho chàng trai trẻ.
Vay tiền khởi nghiệp với kho mảnh thủy tinh vỡ
Sinh ra và lớn lên tại vùng núi, Ngọc vốn có cuộc sống gần gũi với thiên nhiên cùng vô số trải nghiệm tuyệt vời. Cũng chính cuộc sống bình dị ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật và tình yêu môi trường của Ngọc. Cậu trai trẻ vô tình nhận ra, vỏ chai thường bị vứt đi sau khi sử dụng hết, mà tại Việt Nam, kỹ thuật tái chế thủy tinh vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trong đời sống hàng ngày.
Điều đó đã thôi thúc Ngọc đến với công việc tái chế vì muốn mọi người hiểu rằng, những chiếc vỏ chai thủy tinh không chỉ là vật bỏ đi mà chúng có thể được tái chế, biến thành những món đồ độc đáo, mang giá trị riêng và có thể lưu giữ những kỷ niệm đặc biệt, những câu chuyện ý nghĩa. Đây là một cách tuyệt vời để "thổi hồn" vào những vật liệu tưởng chừng vô dụng.
Chàng trai trẻ say mê với công việc tái chế
"Từ khi còn nhỏ, mình đã rất thích tìm tòi và sáng chế ra những món đồ chơi từ vỏ chai nhựa, từ gỗ. Và bây giờ, nguyên liệu mình muốn thử sức chính là thủy tinh – một vật liệu vừa bền bỉ vừa tinh tế, đầy thử thách nhưng cũng vô cùng thú vị để sáng tạo", Minh Ngọc chia sẻ.
Khi xuống Hà Nội học, Ngọc đã sắp xếp thời gian biểu hợp lý giữa việc học và theo đuổi đam mê, nửa ngày trên lớp, nửa ngày rong ruổi khắp Hà Nội thu gom vỏ chai cũ. “Cứ thấy chai nào đẹp, mình đều gom hết về, khiến căn phòng trọ nhỏ thành một kho chứa chai lọ. Lúc đấy có vỏ lon, chai nhựa, chai thủy tinh,... mình đều nhặt về hết để làm cốc, đĩa hay đèn ngủ và dùng trang trí trong nhà”, Minh Ngọc chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, Ngọc lên ý tưởng khởi nghiệp cùng rác với số vốn vỏn vẹn 5 triệu đồng vay mượn từ gia đình để mua dụng cụ làm tranh. May mắn có một người bạn đồng hành, Ngọc nhận được sự hỗ trợ từ việc nhập hàng, tư vấn khách đến quản lý tài chính.
Anh chàng không tìm việc mà quyết định đi tìm… rác
Ngọc đã biến chính căn nhà thuê của mình trở thành nơi nuôi dưỡng nghệ thuật với những bức tranh được làm từ mảnh thủy tinh vỡ. Để tiết kiệm chi phí, anh tận dụng sân thượng căn nhà thuê làm xưởng sản xuất.
“Nhờ công đoạn quảng cáo tốt nên các khách hàng thường đặt trước và thanh toán sớm, việc này giúp chúng mình xoay vòng vốn hiệu quả, dần mở rộng quy mô sản xuất. Chúng mình cứ làm từng chút một, tích góp để đầu tư thêm nguyên vật liệu và thiết bị. Thật may mắn, những bức tranh của chúng mình tạo ra đều được đón nhận và phản hồi tốt.
Khi các tác phẩm của mình ngày càng được nhiều người đón nhận, thật sự mình cảm thấy vừa vui, vừa biết ơn và... hơi bối rối. Vì mình bắt đầu công việc này không phải với kỳ vọng trở thành một nghệ sĩ hay người nổi tiếng gì cả. Mình chỉ đơn giản là muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa – với bản thân, với những chiếc chai thủy tinh tưởng như đã vô dụng, và với cả môi trường", Minh Ngọc cho biết thêm.
Chỉ cần được sử dụng đúng chỗ, bất cứ thứ gì cũng có giá trị
Với quyết tâm biến đam mê thành tiền, chàng trai 24 tuổi ngày đêm nghiên cứu để tạo nên những tác phẩm ấn tượng nhất. Một trong số đó phải kể tới dòng tranh 3D chế tác từ vỏ chai thủy tinh.
Chia sẻ về quy trình tạo ra một bức tranh 3D, Ngọc cho biết không đơn giản: “Đầu tiên phải thu thập nguyên liệu vỏ chai, khung tranh, keo và các vật dụng trang trí. Sau đó, bước được coi là thú vị và khó đoán nhất là đập chai. Những mảnh vỡ với mọi hình thù khác nhau sẽ được mình sắp xếp tỉ mỉ tạo thành bố cục tranh trước khi cố định bằng lớp keo trong suốt.
Công đoạn khó nhất không phải là đập chai hay đổ keo, mà chính là sắp xếp bố cục. Có những bức tranh mình phải sắp xếp, làm đi làm lại đến cả chục lần mà vẫn chưa thấy ưng ý. Đôi khi, không phải do bí ý tưởng mà do chính hoa văn trên thân chai quá độc đáo khiến mình loay hoay không biết làm thế nào để tôn lên hết vẻ đẹp ấy”.
Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, sáng tạo
Mỗi bức tranh hoàn chỉnh, anh mất khoảng 12-15 giờ để hoàn thành, trong đó thời gian chờ keo khô là lâu nhất. Với chàng trai trẻ, mỗi bức tranh là một câu chuyện riêng từ chính những mảnh vỡ có hình thù khác nhau khi đập chai. Chính vì thế, một bức tranh là một lần sáng tạo không thể lặp lại, và sự ngẫu nhiên ấy tạo nên nét độc đáo, riêng có, cuốn hút cho công việc này.
Khi làm tranh, Ngọc nhận ra công việc của mình không chỉ là sự sáng tạo, mà còn là hành trình tái sinh cho những chiếc chai vỡ, làm sống lại những ký ức quý giá với vô vàn câu chuyện đẹp trong cuộc sống. Đặc biệt là lan tỏa tình yêu môi trường tới cộng đồng.
"Mình cũng đã từng tổ chức workshop làm tranh và được đông đảo khán thính giả ủng hộ và đón nhận. Tất cả những điều đó thôi thúc mình ngày càng gắn bó với công việc hơn, ngày càng muốn phát triển nhiều hơn nữa các sản phẩm tái chế từ thứ vật liệu khó nhằn là thủy tinh", Minh Ngọc cho biết thêm.
Những bức tranh độc đáo được cộng đồng đón nhận và yêu thích
Được biết, tranh tái chế từ mảnh thủy tinh của Ngọc đã và đang được đặt hàng rất nhiều. Anh chủ yếu bán tranh khung A4 và A3 với giá dao động 400.000-750.000 đồng/bức. Khách hàng của Ngọc đến từ khắp mọi miền đất nước, từ sinh viên, nhân viên văn phòng hay những người ở độ tuổi trung niên, đặc biệt là các chủ quán cà phê, homestay, tiệm tóc… đặt tranh để trang trí.
Nhờ được nhiều khán giả xem và ủng hộ đặt mua, Ngọc tích cóp dần và luôn phải xoay vòng vốn để nhập thêm hàng, may mắn có một chút lãi nhỏ đủ để Ngọc có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày. Hiện tại, chàng trai trẻ mong muốn phát triển kế hoạch về các loại máy thủ công gọn nhẹ để tất cả mọi người đều có thể góp phần vào hành trình tái chế ngay tại nhà. Ngọc cũng đang ấp ủ dự định làm workshop cố định – sẽ là địa điểm mà ai cũng có thể tự tay làm nên chiếc đèn, chiếc chậu cây từ vỏ chai nhà mình.
Với Minh Ngọc, khi ta tự tay tạo ra một món đồ từ rác thải, chúng ta sẽ trân trọng nó hơn rất nhiều. Lối sống xanh không bắt đầu từ điều to tát, nó bắt đầu từ một chai thủy tinh không vứt đi, một món đồ được tái sử dụng, một người chọn cách sống tử tế với môi trường. Chàng trai trẻ hy vọng, mình có thể là một người thắp tia lửa nhỏ ấy – để lan ra thật xa, thật lâu.
