Ngành học là cầu nối công nghệ trong kỷ nguyên số
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng nền tảng hạ tầng thông tin và kết nối toàn cầu. Đây là một lĩnh vực kỹ thuật mũi nhọn, kết hợp giữa điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông, nhằm thiết kế, xây dựng và vận hành các hệ thống truyền dẫn dữ liệu - từ tín hiệu âm thanh, hình ảnh đến dữ liệu số phức tạp.
Ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông được xem là chìa khóa mở ra cánh cửa công nghiệp 4.0
Kỹ thuật Điện tử Viễn thông là ngành cung cấp các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến về truyền dẫn, mạng kết nối và các thiết bị hiện đại trong các hệ thống truyền thông, nhằm xây dựng hệ thống liên lạc, trao đổi thông tin giữa người – người và người – máy được nhanh chóng, an toàn và thuận lợi.
Tại Việt Nam, lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) đang phát triển một cách mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông là một ngành năng động, với các ứng dụng liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Kỹ thuật điện tử Viễn thông là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất trong những năm gần đây. Đây là một ngành kết hợp giữa công nghệ điện tử và công nghệ viễn thông để phát triển các mạng di động (5G, 6G), thông tin vệ tinh, thông tin quang, mạng viễn thông, IoT…
Chính vì thế, ngành Kỹ thuật điện tử Viễn thông đóng vai trò nòng cốt trong việc phát triển hạ tầng số và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt khi đất nước đang hướng tới các mục tiêu chiến lược về kinh tế số, xã hội số và chính phủ số theo Chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia.
Mức lương và cơ hội nghề nghiệp của ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông
Ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông cung cấp cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc về điện - điện tử, kết hợp với công nghệ truyền thông hiện đại. Trong quá trình học, sinh viên sẽ tiếp cận các môn học cơ bản như mạch điện, kỹ thuật số, xử lý tín hiệu và hệ thống viễn thông. Tiếp đó, người học sẽ được trang bị các kiến thức chuyên sâu như kỹ thuật truyền dẫn tín hiệu, mạng thông tin di động, anten, vi mạch, hệ thống không dây và các công nghệ như 5G, IoT, AI ứng dụng trong viễn thông. Bên cạnh đó, sinh viên còn học lập trình nhúng, thiết kế phần cứng - phần mềm tích hợp để đáp ứng nhu cầu truyền thông đa dạng trong thực tế.
Sinh viên theo học ngành này có cơ hội việc làm rộng mở
Ngoài các môn học chuyên ngành, chương trình đào tạo còn chú trọng phát triển kỹ năng mềm như tư duy logic, khả năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và giao tiếp chuyên nghiệp. Với sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giữa công nghệ cốt lõi và ứng dụng hiện đại, ngành Điện tử Viễn thông giúp người học không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn có khả năng thích nghi, sáng tạo và cập nhật công nghệ mới trong thời đại số.
Hiện nay, cùng với quá trình đô thị hóa, lĩnh vực điện tử viễn thông đang có tiềm năng phát triển bền vững, mở ra cho bạn nhiều cơ hội việc làm trong tương lai. Sau khi hoàn thành khóa học, ứng viên có thể đảm nhận các vị trí sau:
- Chuyên viên nghiên cứu, phát triển công nghệ, thiết bị điện tử tại các công ty viễn thông;
- Chuyên viên tư vấn, thiết kế, vận hành kỹ thuật đảm nhận nhiệm vụ tại nhà đài, truyền hình hoặc các công ty viễn thông….;
- Chuyên viên đảm nhận vị trí thiết kế, quy hoạch và tối ưu hệ thống mạng làm việc tại công ty viễn thông;
- Chuyên viên đảm nhận vị trí thiết kế truyền dẫn, vận hành và thực hiện bảo trì thường niên tại công ty điện tử, viễn thông.
- Giám đốc, trưởng bộ phận kỹ thuật tại các công ty, doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực điện tử, viễn thông.
Nhiều trường đại học ở Việt Nam đào tạo ngành Điện tử Viễn thông
Mức lương của ngành Điện tử Viễn thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô doanh nghiệp, yêu cầu công việc, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc. Sinh viên mới tốt nghiệp thường có mức lương khởi điểm từ 7 đến 15 triệu đồng/tháng. Với những kỹ sư đã có kinh nghiệm, mức lương có thể dao động từ 11 đến 20 triệu đồng/tháng. Riêng đối với các vị trí kỹ sư cao cấp hoặc quản lý trong các công ty lớn, thu nhập có thể đạt từ 45 đến 50 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn tùy theo năng lực và vai trò đảm nhiệm.
Một số trường ở Việt Nam đào tạo ngành Điện tử Viễn thông nổi tiếng như Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Công nghiệp TP.HCM... Năm 2024, điểm chuẩn ngành nào dao động từ 23-27 điểm.
