Nhiều khu vực nắng nóng gay gắt, nhiệt độ thực ngoài trời có thể lên đến trên 40 độ
Nhiệt độ thực tế một số nơi có thể trên 40 độ C
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 18/7, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, phía Đông các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Đắk Lắk và Khánh Hòa có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ như: trạm Sơn Động (Bắc Ninh) 37.2 độ,… Độ ẩm tương đối lúc 13h phổ biến 55-60%.
Dự báo ngày 19/7, khu vực Đông Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ; khu vực từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, phía Đông các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Đắk Lắk và Khánh Hòa có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-60%; khu vực Tây Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trên 35 độ.
Miền Bắc nắng nóng gay gắt, có nơi trên 38 độ.
Ngày 20/7, vùng núi phía Tây từ Nghệ An đến Huế, Đà Nẵng, khu vực phía Đông các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Đắk Lắk và Khánh Hòa có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%.
"Nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa," Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết Nguyễn Hữu Thành lưu ý.
Cảnh báo, từ ngày 20/7, nắng nóng ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ suy giảm dần. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1. Do ảnh hưởng của nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Ngoài ra, nắng nóng còn ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và đời sống người dân.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình trong những ngày nắng nóng, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong khung giờ từ 11-14 giờ hàng ngày. Nếu có việc bắt buộc phải ra ngoài, phải dùng trang phục dài tay, dài chân và dùng nón che phủ đầu mặt để che chắn cho da càng nhiều càng tốt.
Bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, hàng giờ (tốt nhất là chọn các loại nước như nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất...) để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi...
Gió mạnh, sóng cao trên nhiều vùng biển
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin hiện ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm đặc khu Trường Sa), vùng biển từ Cà Mau-An Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông.
Ở đặc khu Phú Quý đã có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; tại trạm Huyền Trân (phía Nam Biển Đông) đã có gió giật cấp 7.
Dự báo ngày và đêm 18/7, phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh, sóng cao 3-5m.
Vùng biển từ Lâm Đồng đến Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm đặc khu Trường Sa) gió cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động, sóng cao 2-4m.
Ngoài ra, ngày và đêm 18/7, khu vực Bắc, giữa và Nam Biển Đông (bao gồm các đặc khu Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Lâm Đồng đến Cà Mau, từ Cà Mau-An Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác; riêng vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông đêm có mưa bão.
Cảnh báo, ngày và đêm 19/7, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12; sóng cao 4-6m, biển động rất mạnh.
Vùng biển từ Lâm Đồng đến Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm đặc khu Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; sóng cao 2-4m, biển động mạnh.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2, riêng vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông cấp 3. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.
Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các tỉnh, thành phố ven biển chịu ảnh hưởng theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của gió mạnh trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Bé gái 11 ngày tuổi bị bỏ rơi ven đường kèm bức thư viết tay
Sự việc được phát hiện là khoảng 21h, đêm 17/7, tại ven đường quốc lộ 4B thuộc khu Phiêng Quăn, xã Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, người qua đường phát hiện một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Qua xác minh, bé gái nặng khoảng hơn 2kg, đựng trong làn nhựa xanh nhạt, kèm theo quần áo, vật dụng cần thiết cho trẻ sơ sinh cùng tờ giấy có ghi những lời tâm sự: “Mẹ xin lỗi vì không thể nuôi con được. Mẹ có lỗi với con, chỉ mong con sẽ gặp được người tốt để nuôi con tốt hơn. Con sinh ngày 12/6/2025 (âm lịch)”.
Bé sơ sinh bị bỏ rơi ven đường. Ảnh: Duy Chiến.
Thời điểm phát hiện, bé tỉnh táo, không có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ.
UBND xã Lộc Bình đã phân công cán bộ đưa bé đi kiểm tra sức khoẻ, đồng thời thông báo tìm cha, mẹ đẻ của bé.
Người mẹ bỏ con trong làn nhựa cùng bức tâm thư. Ảnh: Duy Chiến.
Trong thời hạn một tháng, nếu không có ai đến nhận con thì UBND xã Lộc Bình sẽ tiến hành làm thủ tục đăng ký khai sinh và các thủ tục có liên quan khác cho cháu bé theo quy định của pháp luật.
Đôi vợ chồng ở Cà Mau gặp họa sau câu hỏi "gì vậy bạn"
Ngày 18-7, kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm, TAND khu vực 6, tỉnh Cà Mau đã tuyên phạt bị cáo Dương Chấn Phát (32 tuổi; ngụ phường Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau) 13 năm 6 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích" và "Hủy hoại tài sản".
Bị cáo Phát tại phiên xét xử
Theo cáo trạng, tối 6-7-2024, ông T.C.H. và vợ là bà N.T.N.Y. đang vận chuyển rau củ lên xe tải để mang ra chợ thì gặp Phát đi nhậu về.
Lúc này, ông H. đã hỏi "gì vậy bạn" thì bị Phát chửi và dọa đánh. Sau cự cãi, Phát về nhà lấy con dao giấu trong người rồi quay lại đâm ông H. gây thương tích.
Sau khi ông H. bỏ chạy, Phát tiến tới dùng dao kề vào cổ bà Y. nhằm mục đích gây thương tích đối với bị hại.
Vụ việc được người dân phát hiện và can ngăn nên bà Y. chạy thoát khỏi sự uy hiếp của Phát. Thấy vợ chồng ông H. chạy thoát, Phát dùng bật lửa đốt ghế ngồi của xe tải rồi bỏ đi, mặc cho xe bốc cháy.
Kết quả giám định thương tích của ông H. là 38%, tổng giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi của Phát gây ra là hơn 320 triệu đồng.
Bắt tạm giam "hot girl" môi giới bất động sản, chiếm đoạt hơn 17 tỉ đồng
Sáng 18-7, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Thị Nguyệt (23 tuổi, trú phường Bắc Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lê Thị Nguyệt.
Trước đó, chị PTMD (trú Hà Tĩnh) đã gửi đơn lên Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh tố cáo Lê Thị Nguyệt có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Cơ quan CSĐT đã thu thập tài liệu ban đầu, phối hợp với Công an phường Bắc Hồng Lĩnh nắm thông tin liên quan, xác định Nguyệt làm môi giới bất động sản ở Hà Tĩnh, Nghệ An và một số địa phương khác
Từ năm 2020 đến nay, Nguyệt bị thua lỗ nên lừa đảo bằng hình thức vay tiền hoặc kêu gọi góp vốn đầu tư bất động sản.
Công an làm việc với Lê Thị Nguyệt.
Nguyệt đưa ra các thông tin gian dối là có một số lô đất đã có người hỏi mua nhưng Nguyệt thiếu tiền đặt cọc hoặc tiền mua đất để kêu gọi mọi người tham gia đầu tư, hứa hẹn trong thời gian ngắn sẽ được chia lợi nhuận cao.
Sau khi bị hại tin tưởng góp tiền, Nguyệt mang trả nợ các khoản vay trước đó.
Theo công an, từ tháng 12-2024 đến tháng 4-2025, Nguyệt đã thực hiện hành vi lừa đảo 11 bị hại trên địa bàn Hà Tĩnh, chiếm đoạt hơn 17 tỉ đồng.
Hiện Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh đang tiếp tục mở rộng điều tra.
