Conic Boulevard

Bạo hành trẻ ở mầm non Gia Thụy: Phụ huynh ám ảnh, chuyên gia nói gì?

Những vết bầm tím ám ảnh trên cơ thể một trẻ mầm non tại Trường Mầm non Gia Thụy (phường Bồ Đề, Hà Nội) đang khiến nhiều phụ huynh bàng hoàng, lo lắng con mình có thể là nạn nhân tiếp theo...

Chị H.K.T, mẹ của cháu T.K.L – nạn nhân trong vụ việc, không giấu nổi sự xót xa và bức xúc khi chia sẻ về tình trạng của con mình.

Chị cho biết, sau khi đón cháu về từ trường vào chiều 5/7, chị đã phát hiện những vết bầm tím đáng ngờ trên lưng con. Gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương để kiểm tra. Theo kết quả thăm khám, bác sĩ xác định cháu T.K.L có "đám da có tổn thương xuất huyết rải rác bên trong" ở phần lưng trên.

Thông tin ban đầu, giáo viên đã thừa nhận "đánh trẻ 1-2 cái" vì bé hư không chịu ngủ. Tuy nhiên, qua trích xuất camera giám sát ngày 5/7, hình ảnh cho thấy hành vi bạo hành trẻ rất dã man như đánh, kéo lê, thậm chí ném bé vào tường. Hành vi bạo hành diễn ra cả trong lớp học và ngoài hành lang. Đáng nói, một giáo viên khác cùng phụ trách lớp không hề can ngăn.

Hình ảnh trẻ bị giáo viên Trường Mầm non Gia Thụy (phường Bồ Đề, Hà Nội) đánh đập, xuất hiện nhiều vết bầm tím.

Hình ảnh trẻ bị giáo viên Trường Mầm non Gia Thụy (phường Bồ Đề, Hà Nội) đánh đập, xuất hiện nhiều vết bầm tím.

Hiện tại, gia đình đã làm việc với nhà trường và Công an phường Bồ Đề. Hai giáo viên liên quan đã bị tạm đình chỉ để phục vụ điều tra. Vụ việc đang được công an xác minh và trưng cầu giám định thương tích.

"Tôi lo sợ con mình có thể là nạn nhân kế tiếp"

Chị Nguyễn Hương Liên (35 tuổi), một phụ huynh tại Hà Nội, thốt lên trong sự sửng sốt và phẫn nộ: "Khi xem những hình ảnh này, tôi không khỏi xót xa, không thể tin được những gì đang diễn ra lại nằm trong một lớp học mầm non. Trẻ còn đang tập ăn, tập nói, vậy mà lại bị kéo lê, bị đánh đập, bị ném vào tường như một vật vô tri. Thật sự khủng khiếp".

Chị Liên lo ngại: "Trước đây tôi hoàn toàn yên tâm gửi con đến trường, nhưng sau vụ việc, cảm giác ấy không còn nguyên vẹn. Tôi chỉ sợ điều tồi tệ ấy sẽ xảy đến với chính con mình. Cần phải có những biện pháp cứng rắn, rốt ráo để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con em chúng tôi. Nếu không yêu thương trẻ, xin đừng làm cô giáo mầm non".

Không chỉ phụ huynh, cô Lê Thị Thanh Huyền - giáo viên mầm non hơn 10 năm kinh nghiệm tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) bày tỏ sự bàng hoàng và đau lòng: "Hành vi bạo hành trẻ là không thể chấp nhận được, đặc biệt với trẻ mầm non. Áp lực nghề nghiệp không thể là lý do biện minh cho hành vi đánh đập trẻ. Vụ việc này là một điều đáng tiếc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đội ngũ giáo viên mầm non".

Cần quy định rõ trách nhiệm đạo đức và hành vi nghề nghiệp

ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân - giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học và mầm non, Trường Đại học Hùng Vương nhấn mạnh: "Vụ việc tại Trường Mầm non Gia Thụy là một hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc. Nó cho thấy sự xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp ở một bộ phận giáo viên. Trong đào tạo, chúng tôi luôn đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu".

ThS. Hồng Vân kiến nghị: "Để hạn chế những vụ việc tương tự, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cơ quan quản lý giáo dục. Các trường mầm non cần tăng cường kiểm tra, giám sát qua camera, và tổ chức tập huấn định kỳ về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng quản lý lớp".

Vị giảng viên cũng nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý: "Sở GD&ĐT, chính quyền địa phương cần xử lý thật nghiêm minh để làm gương, răn đe. Việc này không chỉ để đòi lại công bằng cho trẻ em mà còn bảo vệ uy tín của nghề giáo, xây dựng môi trường giáo dục mầm non thực sự an toàn và lành mạnh".

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, hành vi bạo hành trẻ không thể dung thứ, trách nhiệm thuộc về toàn bộ hệ thống giáo dục. Ông nhấn mạnh việc siết chặt và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên ngay từ các trường sư phạm, chú trọng phẩm chất đạo đức và năng lực ứng xử nhân văn.

Ông Lâm cũng lưu ý, các cơ sở giáo dục phải thường xuyên giám sát, nhắc nhở đội ngũ giáo viên về chuẩn mực đạo đức. Trường hợp tái phạm hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức, cần đình chỉ hành nghề để bảo vệ học sinh.

Chuyên gia này đề xuất: "Luật Nhà giáo cần bổ sung điều khoản rõ ràng hơn về trách nhiệm đạo đức và hành vi nghề nghiệp. Giáo viên không chỉ là người dạy chữ, mà còn là hình mẫu. Nếu không làm được điều đó, thì không thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò trong lớp học".

Tin mới vụ xem camera giấu kín, sốc khi phát hiện cặp song sinh bị bảo mẫu bạo hành
Tin mới vụ xem camera giấu kín, sốc khi phát hiện cặp song sinh bị bảo mẫu bạo hành
Sau khi hành vi đánh 2 bé trai 2 tuổi (song sinh) bị bại lộ, bảo mẫu đã âm thầm nghỉ việc, cắt liên lạc. Cơ quan công an đang truy tìm người này, đồng...
Bấm xem >>

Trẻ bị bạo hành