Lợn mán hay còn được gọi là giống lợn mường, lợn mọi, lợn đen, heo mọi. Tại vùng cao, đồng bào các dân tộc chủ yếu nuôi lợn mán bằng cách chăn thả tự nhiên. Giống lợn này thực ra là giống lợn lai giữa lợn nhà và lợn rừng, có nguồn gốc từ miền Bắc và miền Trung nước ta.
Lợn mán cung cấp lượng thực phẩm lớn, ngày càng được nuôi nhiều
Lợn mán có đặc điểm dễ nhận dạng là lớp da dày và màu đen, lông cứng và nhọn như lông nhím, lưng cong, chân gầy và cao. Chúng có kích thước nhỏ nên còn có tên gọi là lợn “cắp nách”. Một con lợn mán có trọng lượng trung bình chỉ đạt khoảng 15 - 30 kg, cũng có con to hơn.
Thịt lợn mán nay đã trở thành đặc sản rất được ưa chuộng. Thức ăn chủ yếu của chúng là cây cỏ, ít hoặc không ăn các loại thức ăn công nghiệp nên thịt lợn rất chắc, nhiều nạc, ít mỡ, thơm ngon và có vị ngọt thịt tự nhiên. Từ thịt lợn mán có thể chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau như lợn mán hấp, lợn mán nướng... Con càng nhỏ thì thịt càng thơm ngon, rất được các nhà hàng ưa chuộng.
Nhận thấy lợi ích kinh tế từ loài vật này, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư, nuôi lợn mán cho doanh thu ổn định.
Anh Phan Văn Quynh (Thanh Hóa) là chủ hộ chăn nuôi lợn “cắp nách” lớn tại địa phương, mỗi năm bỏ túi trên 300 triệu đồng. Bắt đầu với giống lợn bố và giống lợn mẹ gốc lai mua về từ cơ sở có uy tín ở Xuân Mai (Hà Nội), anh đã phát triển đàn lên tới hàng trăm con.
Đàn lợn mán phát triển tốt ở môi trường tự nhiên
Học hỏi một vài nơi và chịu khó nghiên cứu tìm tòi, anh áp dụng chế độ chăm sóc đàn lợn khá tốt. Lợn mẹ ăn 2 lần/ngày, thức ăn là cám gạo, bã bia, bánh quy loại thải, trộn lẫn với nhau cho mỗi con ăn 3kg/con, thời gian cho ăn vào lúc 8 giờ sáng và 16 giờ chiều.
Còn lợn con, sau khi đẻ ra bú sữa mẹ khoảng 1,5 tháng, sau đó thả ra vườn đồi được khoanh vùng giới hạn, tận dụng lợi thế môi trường tự nhiên trên một không gian rộng.
Cho lợn con ăn thức ăn phối trộn cũng giống như lợn mẹ, với lượng thức ăn 0,4 kg/con. Khi lợn con nặng chừng 1,5 kg/con thì chuyển sang cho ăn thức ăn gia đình phối trộn, gồm có cám gạo, bã bia, bánh quy loại thải và cho mỗi con ăn mức 2 kg/con/ngày, bổ sung thêm thức ăn bằng rau xanh như cỏ voi, thân cây chuối thái nhỏ, trộn lẫn cho ăn.
Mỗi năm, gia đình anh xuất bán lợn thương phẩm ra thị trường tới 140 con lợn mán, mỗi con bình quân nặng 25 kg (con nặng nhất 30 - 35 kg). Anh bán với giá bán ổn định 1 kg lợn hơi là 140.000 đồng.
Một tấm gương nuôi lợn mán cho thu nhập ổn định khác là anh Nguyễn Quốc Ngôn (Nghệ An). Sau nhiều năm lăn lộn đủ nghề, đến năm 2020, anh bắt tay vào xây dựng chuồng trại, tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi lợn mán tại nhiều nơi, đồng thời tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi qua sách báo.
Đàn lợn mán được cho ăn uống đầy đủ
Từ nguồn vốn vay, anh khởi nghiệp với 5 con lợn mán nái. Sau 5 năm phát triển các kĩ thuật chăn nuôi lợn kết hợp với buôn bán lợn thịt, trung bình mỗi năm xuất chuồng được 2,5-3 tấn thịt, 150kg lợn giống, thu về trên 200 triệu đồng/năm.
Anh chia sẻ, để nuôi được đàn lợn mán phát triển, không chỉ am hiểu kiến thức về lợn mà cần có kiến thức về thiết kế xây dựng chuồng trại, chế độ ăn uống để lợn từ tự nhiên khi trở về đời sống chuồng trại dễ dàng thích ứng. Việc theo dõi từng cá thể lợn giống hàng ngày rất quan trọng.
Là loài ăn tạp nên nguồn thức ăn cho lợn đa dạng, phong phú, chủ yếu cỏ voi, rau, cám gạo, bã bia, bã sắn… Ngoài ra, anh cũng trồng thêm nhiều loại cây dược liệu như sài đất, chè… bổ sung trong khẩu phần ăn để phòng bệnh, đồng thời tăng hàm lượng đạm trong thịt, giúp thịt lợn săn chắc, thơm ngon.
Trang trại lợn mán của anh Phạm Văn An (Nghệ An) lại nằm dưới tán cây cao su năm thứ 5 tỏa bóng của gia đình. Anh cho biết, gia đình chăn nuôi lợn nhiều năm qua, tuy nhiên giá lợn bấp bênh nên thu nhập không ổn định. Nhận thấy thị trường ưa dùng loại "lợn sạch", anh đã chuyển hướng sang nuôi lợn mán, lợn rừng.
Nuôi lợn mán dưới tán cao su
Anh bàn vợ phá bỏ 5 sào mía trong vườn để trồng cây cao su vì đặc tính của loài lợn này là vận động nhiều và cần bóng mát, còn nếu như nuôi nhốt chất lượng thịt không ngon. Trồng cao su được 2 năm khi cây bắt đầu có tán, anh đầu tư nuôi giống lợn mán.
Theo anh, sở dĩ chọn cây cao su làm bóng mát vì tán rộng, ngoài ra quả của cây cao su lợn mán rất thích ăn và bổ dưỡng vì có chất dầu. Đến mùa cao su rụng quả, lợn chủ yếu ăn quả cao su và cỏ. Những thời điểm khác trong năm, anh bổ sung thêm ngô, khoai… vào thức ăn cho lợn. Vì vậy chi phí nuôi thấp, công chăm sóc ít nên vợ chồng anh vẫn có thời gian làm thêm những công việc khác.
Mỗi năm gia đình anh An nuôi từ 80 - 100 con lợn mán; trung bình mỗi con nặng từ 15 - 30kg. Với giá bán hiện tại là 140.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu lãi gần 200 triệu đồng.
Nuôi lợn mán dưới tán cao su là mô hình đầu tiên ở địa phương, nên được bà con ủng hộ và học hỏi kinh nghiệm để cùng nhau làm giàu ngay tại quê hương.
